Cập nhật vào 22/10
“Thả thính” là một trong những cụm từ được giới trẻ sử dụng rất nhiều trong thời gian gần đây. Việc thả thính “vô tội vạ” đôi khi sẽ gây ra nhiều tác hại không mong muốn đấy!
1. Thả thính là gì?
Nghĩa đen của “thính” là một loại thức ăn thơm ngon được dùng khi đi câu cá. “Thính” khác với “mồi” ở chỗ, mồi được gắn trực tiếp vào cần câu, còn “thính” sẽ được rải ra khắp hồ để thu hút cá một cách tự nhiên.
Từ đó cũng có thể thấy được nghĩa bóng của “thính” đúng không nào?
“Thả thính” là ẩn dụ của việc cố tình thu hút người hoặc vật khác đến với mình nhằm mục đích nào đó. Vì thế, nghĩa bóng thả thính là cố tình lôi cuốn, hấp dẫn ai đó, làm cho họ thích mình và nảy sinh tình cảm.

Hầu hết những người “thả thính” không có tình cảm thật đối với đối phương. Họ quan tâm, tỏ cử chỉ thân mật yêu thương nhưng lại không coi đó là tình yêu nam nữ, họ không thật sự yêu thích nhưng lại gieo niềm tin và cảm nhận cho đối phương rằng họ đang đang có tình cảm với mình. Vì thế khi sự thật được phơi bày thì những người bị “thả thính” sẽ cảm thấy đau khổ và mất niềm tin ghê gớm.
2. Các biểu hiện được gọi là thả thính?
Thả thính có rất nhiều hình thức thể hiện. Những người hay thả thính thường tỏ ra quan tâm đối phương, có nhiều lời nói, cử chỉ yêu thương, thường xuyên nhắn những lời tình cảm. Mối quan hệ giữa người “thả thính” và người “nhận thính” luôn không rõ ràng: trên mức tình bạn nhưng không thể chạm đến tình yêu.
Họ luôn giữ mối quan hệ ở mức tán tỉnh nhẹ, tức là gieo niềm tin và khiến đối phương cho rằng họ đang có tình cảm với mình. Khi đối phương có ý định tiến tới tình yêu, họ ngay lập tức phủ nhận với đa dạng các loại lý do: chỉ là bạn, là anh em.
Trong thời kỳ mạng xã hội phát triển, việc trò chuyện trở nên dễ dàng và rộng rãi hơn. Việc “thả thính” cũng trở nên dễ dàng hơn qua những dòng tin nhắn. Hàng loạt ứng dụng cũng ra đời để đáp ứng nhu cầu làm quen, kết bạn của giới trẻ như Tinder, Bumble, Happn…
Hình thức “thả” cũng khá đa dạng. Nhẹ thì các “ngư phủ” sẽ viết những dòng trạng thái bâng quơ “Buồn quá, ai qua đón mình đi cà phê với!”,… hoặc đăng những bức ảnh tâm trạng, bài hát buồn. Tập trung hơn, mỗi chú “cá” sẽ nhận được lời inbox riêng, chuyện trò tâm sự thân thiết.

3. Thả thính có tác hại như thế nào?
Có những gã và những ả chuyên đi thả thính để lừa tình thiên hạ, được con mồi nào dính thính thì hay con ấy, những kiểu người này bắt cá nhiều tay, ai cũng ghét cay ghét đắng.
Còn lại là những người không cố ý thả thính nhưng vì một số lý do như là sợ cô đơn, tìm người để tâm sự, vừa chia tay người yêu cũ nên tìm người khỏa lấp nỗi trống vắng, vân vân và vân vân.
Dù vô tình hay cố ý thì thả thính cũng là một hành động không nên. Thực ra chẳng có ai nhận mình là thả thính cả, họ đều viện lý do và ngụy biện “em đâu có nói là em yêu anh đâu? Em bảo em thích anh lúc nào?”. Họ không biết rằng hành động này có thể gây tổn thương cho nhiều người khác. Những chàng trai, cô gái “yêu hụt” sẽ trở nên nghi hoặc và khép mình trước những mối quan hệ mới.
Vì vậy, trong chuyện tình cảm, cách bảo vệ bản thân tối ưu là đừng nên nóng vội, đừng chỉ vì vài lời ngọt ngào mà ngộ nhận. Tình cảm là thứ phải trải qua quá trình dài để nhận được sự thấu hiểu và tin tưởng từ cả hai phía.
Và cũng đừng “rải thính” lung tung nữa nhé! Trêu đùa với tình cảm của người khác thực sự sẽ làm họ tổn thương và đau khổ rất nhiều đấy. Hãy chỉ thả thính người mình thực sự thích và mong muốn tiến đến một mối quan hệ.