Cập nhật vào 15/06
Nhiều mẹ luôn mang tâm lý sợ bé đói, muốn bé ăn nhiều để lớn nhanh vì vậy muốn cho bé ăn dặm sớm, nhưng mẹ có biết việc ăn dặm sớm lại gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé. Mẹ có thể tham khảo 10 lý do mẹ không nên cho bé ăn dặm sớm dưới bài viết để tránh gặp sai lầm khi lựa chọn độ tuổi ăn dặm của bé.
1. Lý do mẹ không nên cho bé ăn dặm sớm
Độ tuổi nào của bé được gọi là ăn dặm sớm? Thời điểm khi bé được 6 tháng tuổi thường là mốc thời gian xác định bé bước vào giai đoạn ăn dặm. Nhưng từ lúc bé mới 4 tháng tuổi, mẹ chợt thấy hình như bé nhà mình còi hơn bé khác, rồi lo lắng liệu có phải do bé ăn chưa đủ. Mẹ cho rằng bé cần được ăn thêm để tăng cân, phát triển nhanh vì vậy mẹ tiến hành cho bé ăn dặm sớm hơn để bổ sung được nhiều dinh dưỡng.
Sai lầm của mẹ khi nghĩ rằng cho bé ăn dặm sớm giúp bé phát triển nhanh
Việc mẹ cắt bớt giai đoạn, đẩy nhanh hơn quá trình ăn dặm của bé khi bé chưa sẵn sàng sẽ không mang lại hiệu quả tốt mà còn khiến bé gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Dưới đây là 10 vấn đề các bé ăn dặm sớm đã từng gặp phải, mẹ nên tham khảo để quyết định có nên cho bé ăn dặm sớm hay không.
1 – Hệ tiêu hóa làm việc kém hiệu quả:
Bé bắt đầu có những biểu hiện bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đi ngoài phân sống, đánh hơi nhiều và nôn trớ. Đây là những dấu hiệu cảnh báo với mẹ hệ tiêu hóa của bé đang gặp trục trặc trong quá trình xử lý thức ăn.
Mẹ có biết trước 6 tháng tuổi, hệ vi sinh vật đường ruột của bé còn chưa phát triển cân bằng, các loại enzyme giúp bé tiêu hóa thức ăn chưa đầy đủ nên chỉ phù hợp để tiêu hóa sữa,rất khó để có thể tiêu hóa tinh bột và các thức ăn khác. Mẹ cần theo dõi để điều chỉnh cho bé chế độ ăn thích hợp.
2 – Tăng nguy cơ suy dinh dưỡng:
Ở những tháng đầu bé chỉ cần bổ sung thêm sữa công thức (trong trường hợp mẹ ít sữa). Khi bé ăn thêm đồ ăn dặm lượng bú sẽ giảm, bé lại khó hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn dẫn đến thiếu hụt chất. Đáng lo ngại hơn là bé sẽ bỏ bú hoặc mẹ thấy bé ăn được bụ bẫm nên cho bé cai sữa sớm dẫn đến bé bị suy dinh dưỡng, thấp còi.
Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng đầy đủ nhất cho bé yêu
3 – Gây thiếu hụt sắt tăng tỷ lệ thiếu máu và nguy cơ nhiễm trùng.
Sắt và canxi là hai yếu tố quan trọng trong việc tạo hồng cầu ( tạo máu) và hình thành hệ xương của bé. Trong sữa mẹ chúng được cấu tạo dưới dạng dễ hấp thụ nhất với hàm lượng đủ đảm bảo nhu cầu phát triển của bé trong 6 tháng đầu. Việc ăn dặm sớm khiến trẻ bú ít đi trong khi mẹ không bổ sung thêm cho bé hoặc bổ sung ở dạng khó hấp thụ làm bé bị thiếu sắt, lẫn canxi dẫn đến tình trạng bé thiếu máu, còi xương.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng sữa mẹ còn chứa lượng lớn kháng thể miễn dịch giúp bé chống lại các tác nhân gây bệnh( thời điểm này sức đề kháng của bé còn yếu ). Khi kháng thể miễn dịch giảm dần theo lượng bú đồng nghĩa với việc sức đề kháng của bé cũng giảm theo vì vậy làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khi có tổn thương.
4 – Khiến bé bị đau dạ dày
Các cơ co bóp dạ dày của bé chưa khỏe như người lớn nếu bé ăn món đặc dạ dày sẽ phải tăng co bóp rất nhiều mới có thể trộn lẫn thức ăn với dịch vị rồi đẩy xuống ruột non. Đồng thời trong quá trình trộn thức ăn có thể còn khiến niêm mạc dạ dày tổn thương vì phải chà xát với vụn thức ăn thô mà lớp màng nhầy bảo vệ còn mỏng.
Đây là lý do mà có nhiều bé dù còn ít tuổi đã bị đau dạ dày. Nếu mẹ không phát hiện và điều chỉnh kịp thời sẽ trở thành tiền đề dẫn đến các bệnh lý dạ dày ở tuổi trưởng thành.
Ăn dặm sớm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày khi trưởng thành
5 – Có thể gây tổn thương đến thận của bé
Mẹ nghĩ rằng bổ sung thật nhiều dinh dưỡng bé sẽ phát triển nhanh hơn vì vậy liên tục cho bé ăn những thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng mẹ có biết hệ tiêu hóa non nớt của bé chưa có đủ các enzyme để chuyển hóa hoàn toàn tinh bột, đạm và chất béo phục vụ cho cơ thể.
Khi mẹ bổ sung nhiều những thực phẩm giàu protein và lipid sẽ khiến thận của bé phải làm việc liên tục để lọc những mảnh nhỏ còn sót lại và lắng đọng ở thận lâu dần hình thành nên sỏi thận.
6 – Tăng nguy cơ bé thừa cân, béo phì
Vấn đề này xuất phát từ việc mẹ sợ bé ăn ít, ăn thiếu dinh dưỡng vì vậy liên tục bổ sung các món giàu dưỡng chất. Mẹ vui vẻ khi bé ăn nhiều mà quên mất bé chưa thể nhận biết được mình đã no.
Theo thời gian hình thành nên thói quen ăn uống của bé. Bé có nhu cầu ăn nhiều hơn và nạp vào cơ thể mình nguồn năng lượng lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu dẫn đến tăng cân, béo phì.
7 – Dễ bị sặc hoặc nghẹn thức ăn
Khác với bú mẹ bé chỉ cần thực hiện động tác mút, khi ăn đồ ăn dặm bé cần phối hợp thực hiện việc nhai và nuốt thức ăn. Trong khi bé chưa biết vận dụng linh hoạt các cơ hàm, lưỡi, hầu, họng. Vì vậy dễ khiến bé bị sặc hoặc nghẹn.
8 – Ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé
Bé chưa nhận biết được khi mình đã no dẫn đến trường hợp bé ăn nhiều khiến dạ dày khó chịu. Cả cơ thể bé xíu phải hoạt động hết công suất mới có thể tiêu hoá được hết bữa ăn. Vì vậy khiến bé cảm thấy mệt, khó chịu ngủ không ngon giấc và quấy khóc.
Chế độ ăn phù hợp mang lại cho bé giấc ngủ ngon
9 – Tăng nguy cơ dị ứng với thực phẩm
Do hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện hết chức năng, lớp màng hấp thu của ruột chưa hoàn chỉnh nên sẽ hấp thu y nguyên các phân tử protein, kích thích các phản ứng dị ứng thực phẩm vì vậy bé gặp nguy cơ dị ứng với thực phẩm nhiều hơn, nhất là những bé có cơ địa nhạy cảm.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng có khoảng 8 -10% trẻ bị dị ứng với một hoặc một số loại thực phẩm vì vậy tốt nhất bé chỉ nên tiếp xúc với thực phẩm khi hoàn thiện cơ bản chức năng hệ tiêu hóa.
10 – Tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp
Mẹ thấy khó tin phải không nhưng thực tế việc ăn dặm sớm đã khiến nhiều bé mắc các bệnh về đường hô hấp. Mẹ có thể hiểu thế này khi bé ăn thêm đồ ăn các bữa bú sẽ giảm đi đồng thời làm giảm lượng kháng thể cung cấp cho bé. Hệ miễn dịch giảm khiến bé thường gặp các bệnh về đường hô hấp hơn
Một số trường hợp do chưa biết cách nuốt làm bé bị nghẹn hoặc tràn thức ăn vào khí quản nếu mẹ không xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Trong 6 tháng đầu đời ngoài sữa mẹ bé chỉ cần bổ sung thêm sữa công thức
Giai đoạn từ sau sinh đến 6 tháng tuổi khi lượng sữa mẹ vẫn đủ cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng đảm bảo và hệ tiêu hóa của bé vẫn còn non nớt. Việc cho bé ăn dặm sớm là không cần thiết vì không mang lại hiệu quả chưa kể những tác hại đến sức khỏe của bé. Mẹ nên tuân thủ theo từng giai đoạn phát triển đó mới là điều tốt nhất cho bé.
2. Ăn dặm sớm không có tác hại khi nào?
Nếu vì một lý do nào đó bắt buộc mẹ phải cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi hoặc các bé có thể trạng phát triển tốt (nhu cầu về năng lượng của bé cao hơn với độ tuổi) mẹ có thể cho bé ăn dặm sớm hơn mà không gây hại cho bé.
Điều kiện tiên quyết: bé trên 4,5 tháng vì ở thời điểm này dù chưa hoàn thiện tất cả chức năng tiêu hóa nhưng những yếu tố cơ bản để có thể ăn dặm bé đã có.
Bé có các dấu hiệu sau:
- Cơn đói đến nhanh hơn, bé đã bú 8 đến 10 cữ bú hoặc 1000ml sữa công thức một ngày mà vẫn đòi ăn thêm. Lúc này nguồn năng lượng do sữa cung cấp đã không còn đủ phục vụ cho các hoạt động của bé.
- Mẹ cần bổ sung thêm năng lượng bằng đồ ăn ngoài. Giai đoạn đầu mẹ nên ưu tiên các món có vị giống sữa để bé làm quen hoặc các loại bột ăn dặm ngọt.
- Luôn trong trạng thái tìm kiếm đồ ăn, lập tức nhoai người chộp khi thấy đồ ăn của mẹ. Mẹ thường xuyên bắt gặp ánh mắt thèm thuồng của bé khi thấy đồ ăn. Bé đã bắt đầu có những cảm nhận về mùi vị, làm bé cảm thấy phấn khích mỗi lần mẹ đưa đồ ăn
- Bé đã có thể giữ thẳng đầu và ngồi được. Khi bé có thể giữ được đầu thẳng và ngồi việc nuốt thức ăn sẽ dễ dàng hạn chế nguy cơ bị sặc hay tràn đồ ăn vào khí quản như khi bé nằm. Với đồ ăn đặc mẹ cần tránh việc cho bé ăn nằm.
Ngồi ăn sẽ hạn chế tối đa việc bé bị nghẹn hay trào thức ăn vào thực quản
- Biết đưa môi dưới về phía trước nhận thức ăn từ thìa, há miệng to mỗi lần mẹ đút đồ ăn. Bé đã có thể điều chỉnh lưỡi và cơ hàm để nhận và giữ thức ăn trong miệng vì vậy mẹ không cần lo bé bị sặc hay làm rơi vãi thức ăn ra ngoài.
- Lưỡi bé không còn phản xạ đẩy khi đưa vật lạ vào miệng. Phản xạ đẩy lưỡi của bé xuất phát từ việc bé sợ và cảm thấy nguy hiểm khi có vật lạ trong miệng. Bé không đẩy ra chứng tỏ bé không cảm thấy khó chịu hay nguy hiểm nữa, bé đã cảm nhận được mùi vị thức ăn và thấy thích thú.
- Cân nặng của bé đã tăng gấp đôi so với lúc sinh. Giờ nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng cần tăng cao hơn mà sữa không còn đủ đáp ứng. Mẹ cần bổ sung qua đồ ăn thay vì việc cho bé bú liên tục, không thành bữa.
- Bé biết từ chối khi không muốn ăn. Mẹ có thể biết được khẩu vị của bé thích hoặc không thích ăn món gì đó để xây dựng thực đơn ăn dặm của bé. ngoài ra còn giúp mẹ tránh trường hợp cho bé ăn quá no.
Giờ mẹ hãy xem bé nhà mình có đủ những dấu hiệu trên không. Nếu bé đã đáp ứng điều kiện và đầy đủ những dấu hiệu đó mẹ có thể cho bé ăn dặm sớm mà không cần lo lắng những về vấn đề sức khỏe của bé.
3. Lưu ý khi cho bé ăn dặm sớm
Bé ăn dặm có đạt hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào cách mẹ thực hiện. Đặc biệt là với các bé ăn dặm sớm mẹ càng phải thực hiện chuẩn từng bước để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Ăn dặm đúng cách mới đem có thể đem lại hiệu quả tốt nhất
Để có thể cho bé ăn dặm đúng cách mẹ cần lưu ý vài điều sau.
- Chọn cho bé phương pháp ăn dặm phù hợp nhất: Mẹ có thể lựa chọn cho con ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu nhật, ăn dặm chỉ huy, ăn dặm truyền thống hoặc ăn dặm 3in1. Tuy nhiên với các bé ăn dặm sớm mẹ nên ưu tiên lựa chọn ăn dặm truyền thống hoặc ăn dặm kiểu nhật vì hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, kỹ năng phối hợp động tác nhai nuốt vẫn chưa linh hoạt.
- Tăng dần độ đặc theo giai đoạn. Mẹ nên bắt đầu cho bé làm quen bằng đồ ăn loãng và tăng dần đến đặc giúp bé dễ ăn hơn đồng thời không gây quá tải cho hệ tiêu hóa.
- Ăn từ ít đến nhiều, giúp dạ dày và hệ tiêu hóa thích nghi dần dần, không nên ép bé ăn khi bé không thích.
- Lựa chọn thực phẩm kỹ càng để hạn chế tối đa nguy cơ khiến bé bị dị ứng.
Thực đơn ăn dặm đảm bảo cân bằng cho bé 4 nhóm chất thiết yếu
- Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho bé. Mẹ cần cung cấp cho bé đủ 4 nhóm thực phẩm ( tinh bột, đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất) phù hợp với từng giai đoạn, không nên bổ sung nhiều quá sẽ gây dư thừa.
- Tiếp tục cho con bú mẹ ít nhất là một năm đầu đời. Việc ăn dặm chỉ là bổ sung thêm dinh dưỡng từ thực phẩm cho bé chứ không thể thay hoàn toàn việc bé bú mẹ. Mẹ vẫn cần duy trì để bé được bú mẹ đều đặn, đảm bảo dinh dưỡng cho bé.
Để giúp bé ăn dặm an toàn và hiệu quả mẹ nên lưu tâm những điều trên để tránh sai lầm. Nếu mẹ thực hiện tốt vừa không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà sẽ trở thành tiền đề cho bé yêu phát triển cả chặng đường về sau.
Bài viết là kinh nghiệm của rất nhiều mẹ được đúc kết lại trong quá trình cho con ăn dặm sớm và được công nhận bởi các bác sĩ nhi khoa. Hy vọng mang lại cho mẹ nhiều kiến thức bổ ích để quyết định về việc nên cho bé ăn dặm sớm hay không. Mẹ còn gì chưa hiểu hãy để lại bình luận bên dưới, mọi thắc mắc của mẹ sẽ được giải đáp một cách chính xác nhất.